Tóm tắt nội dung
Áp lực tài chính lớn buộc Gen Z phải tìm kiếm những công việc lương cao
Gen Z bước vào thị trường lao động trong một thời kỳ đầy biến động và thay đổi nhanh chóng, khi công nghệ số bùng nổ và toàn cầu hóa mở ra vô vàn cơ hội mới. Họ dễ dàng tiếp cận kiến thức và tạo dựng sự nghiệp từ sớm. Tư duy linh hoạt và khả năng làm việc từ xa cũng làm thay đổi đáng kể cái nhìn của Gen Z đối với sự ổn định truyền thống. Tuy nhiên, bên cạnh đó, Gen Z cũng phải đối mặt với những áp lực lớn về cạnh tranh và đào thải, sự kỳ vọng thành công cũng như sự không chắc chắn về tương lai. Chi phí sinh hoạt tăng cao và giá nhà đất đã trở nên đắt đỏ hơn nhiều lần so với những thế hệ trước cũng đang tạo ra những áp lực tài chính lớn chưa từng thấy đối với Gen Z.
Báo cáo Chi phí Sinh hoạt toàn cầu (Worldwide Cost of Living) của bộ phận nghiên cứu kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU) thuộc tạp chí The Economist cho thấy, chi phí sinh hoạt tại 172 thành phố trên thế giới đã tăng vọt, với mức tăng 8,1% tính theo đồng nội tệ trong năm 2022 và 7,4% năm 2023. Vào đầu năm 2023, Tổ chức Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) cũng cho rằng cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ là rủi ro toàn cầu lớn nhất trong 2 năm tới.
Gen Z cũng là thế hệ phải đối diện với gánh nặng khổng lồ từ chi phí giáo dục. Ở nhiều quốc gia, chi phí học đại học đã tăng gấp đôi, hoặc thậm chí gấp ba so với các thế hệ trước. Đăc biệt tại Mỹ, Cục Dự trữ liên bang cho biết khoảng 30% sinh viên ở Mỹ đã phải đi vay để trả học phí. Việc phải trả nợ ngay khi ra trường khiến nhiều người trẻ phải tìm kiếm các công việc lương cao thay vì chấp nhận công việc lương thấp hoặc tạm thời để tích lũy kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Gen Z còn phải đối diện với nhiều áp lực từ xã hội. Trong một thế giới mà mọi người liên tục chia sẻ những khoảnh khắc hào nhoáng của cuộc sống lên Facebook, Instagram, Tiktok, Gen Z phải chạy đua theo những hình ảnh “thành công” mà họ nhìn thấy. Điều đó cuốn họ vào những cuộc đua tài sản, nhà cửa, xe cộ… để “chứng minh” bản thân trước người khác.
Sự không chắc chắn về tương lai cũng là lý do khiến Gen Z chú trọng nhiều hơn đến nhu cầu ổn định tài chính. Thế hệ Gen Z lớn lên trong bối cảnh của nhiều cuộc khủng hoảng (từ khủng hoảng kinh tế năm 2008, đại dịch covid – 19, đến những vấn đề về biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường). Những biến động này khiến cho họ cảm thấy tương lai của mình trở nên không chắc chắn, và có nhu cầu lớn về ổn định tài chính. Cuộc khảo sát của Deloitte năm 2022 cho thấy 46% Gen Z cho biết họ cảm thấy căng thẳng hoặc lo lắng thường xuyên về tương lai tài chính lâu dài, cũng như chi tiêu hàng ngày và an sinh của gia đình.
Rõ ràng, có rất nhiều áp lực thúc đẩy Gen Z cần tìm đến những công việc có mức lương cao. Theo kết quả khảo sát về xu hướng lựa chọn công việc của Gen Z tại Việt Nam năm 2022 và 2023 cũng cho thấy “thu nhập đủ sống thoải mái và tiết kiệm được” là tiêu chí hàng đầu quyết định mục tiêu công việc của Gen Z. Mức lương khởi điểm hay khoảng lương công việc là thông tin quan trọng nhất mà Gen Z muốn đọc khi ứng tuyển và sẽ ảnh hưởng đến quyết định ứng tuyển. Mức lương kỳ vọng trung bình cho công việc đầu tiên đã tăng từ 8,1 triệu đồng/tháng năm 2019 lên 8,5 triệu đồng/tháng vào năm 2022 và 9,2 triệu đồng/tháng vào năm 2023.
Những nguy cơ tiềm ẩn từ “bẫy lương cao”
“Bẫy lương cao” hàm chỉ việc lấy tiêu chí lương cao làm tiêu chí duy nhất để lựa chọn công việc. Lựa chọn công việc lương cao giúp Gen Z giải quyết được những nhu cầu tài chính trước mắt, nhưng nó cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ.
Mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống
Những công việc có mức lương cao thường đòi hỏi nhiều thời gian và công sức, thậm chí là làm việc ngoài giờ. Người lao động dễ dàng bị cuốn vào vòng xoáy công việc, không còn đủ thời gian và năng lượng để dành cho bản thân, gia đình và bạn bè. Kết quả là, họ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng và dần mất đi sự hứng thú với cuộc sống.
Đặc biệt đối với Gen Z, một thế hệ đề cao sự linh hoạt và tự do, khi công việc đòi hỏi nhiều giờ làm việc liên tục có thể gây ra cảm giác bức bối. Họ có thể cảm thấy như mình đang đánh mất tuổi trẻ, chỉ để theo đuổi những mục tiêu tài chính tạm thời mà không có cơ hội trải nghiệm những niềm vui trong cuộc sống.
Không có sự phát triển kỹ năng lâu dài
Lương cao thường gắn với những công việc có yêu cầu cao về chuyên môn hoặc áp lực công việc lớn. Nhưng không phải lúc nào những công việc này cũng cung cấp cơ hội phát triển kỹ năng hoặc thăng tiến nghề nghiệp lâu dài. Gen Z có thể bị cuốn vào một công việc với mức lương hấp dẫn, nhưng lại bỏ qua cơ hội học hỏi, phát triển bản thân và tạo dựng nền tảng cho tương lai. Ví dụ, một người trẻ có thể lựa chọn một công việc mà họ phải làm việc liên tục nhưng không được tham gia vào các khóa học, đào tạo hay dự án mới. Khi thị trường lao động thay đổi, họ có thể không còn đủ kỹ năng và kinh nghiệm để chuyển sang công việc khác, hoặc thậm chí bị thay thế bởi công nghệ.
Cảm giác bị mắc kẹt trong công việc
Một vấn đề khác mà Gen Z có thể gặp phải là cảm giác bị mắc kẹt trong công việc chỉ vì mức lương. Khi một người đã quen với mức sống cao nhờ thu nhập tốt, thì họ rất khó từ bỏ công việc hiện tại để theo đuổi đam mê hay chuyển sang một công việc phù hợp hơn với giá trị cá nhân. Họ có thể sợ mất đi nguồn thu nhập cao và không muốn đánh đổi sự thoải mái tài chính hiện tại. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn: dù không còn yêu thích công việc, người trẻ vẫn phải ở lại vì áp lực tài chính, dẫn đến mất đi động lực làm việc, giảm hiệu suất và thậm chí là tình trạng kiệt sức.
Thiếu sự kết nối với giá trị cá nhân
Một trong những điểm mạnh của Gen Z là sự nhận thức cao về giá trị cá nhân và mong muốn công việc của họ phải có ý nghĩa, hơn là chỉ mang lại tiền bạc. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người lao động thường cảm thấy hài lòng và gắn bó với công việc khi họ có thể đóng góp vào những mục tiêu lớn lao, phù hợp với thang giá trị của bản thân.
Tuy nhiên, khi chọn công việc chỉ vì mức lương, họ có thể rơi vào tình trạng làm việc mà không thấy được sự kết nối với giá trị và niềm đam mê của mình. Điều này dễ dẫn đến mất động lực, cảm giác bất mãn và giảm hiệu quả công việc.
Làm thế nào để tránh bẫy lương cao?
Đánh giá kỹ lưỡng các yếu tố ngoài lương
Khi tìm kiếm công việc, ngoài việc quan tâm đến mức lương, Gen Z nên cân nhắc các yếu tố khác như cơ hội phát triển nghề nghiệp, văn hóa công ty, môi trường làm việc và cơ hội học hỏi. Một công việc với mức lương vừa phải nhưng mang lại cơ hội phát triển kỹ năng, xây dựng mối quan hệ và khả năng thăng tiến có thể mang lại giá trị lâu dài hơn một công việc lương cao trong hiện tại, nhưng không có sự phát triển về mặt dài hạn.
Cân bằng giữa tài chính và giá trị cá nhân
Lương cao có thể giúp giải quyết các nhu cầu tài chính ngay lập tức, nhưng việc tìm kiếm một công việc phù hợp với giá trị và đam mê của bản thân sẽ mang lại sự thỏa mãn lâu dài. Gen Z nên tìm cách cân bằng giữa nhu cầu tài chính và nhu cầu tinh thần, tìm kiếm những công việc vừa mang lại thu nhập, vừa cho phép họ thực hiện những điều họ thực sự yêu thích.
Xây dựng lộ trình phát triển nghề nghiệp dài hạn
Thay vì chỉ nhìn vào mức lương ngắn hạn, các bạn trẻ nên xây dựng cho mình một lộ trình phát triển nghề nghiệp dài hạn. Luôn đặt câu hỏi: Liệu công việc hiện tại có giúp bạn học hỏi, phát triển kỹ năng và mở ra những cơ hội tốt hơn trong tương lai? Điều này giúp chúng ta không bị cuốn vào bẫy lương cao mà vẫn có khả năng tiến xa trong sự nghiệp.
___________________
2TARGET – TIÊN PHONG TRONG ĐÀO TẠO TÀI CHÍNH
Địa chỉ: Tầng 2, Số 6 Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 0898 622 822
Website: www.2target.v