Tóm tắt nội dung
Những định kiến sai lầm về Tiết kiệm
Mặc dù tiết kiệm là một phần quan trọng của quản lý tài chính cá nhân, nhưng người ta thường gắn cho nó những cảm xúc tiêu cực. Thắt chặt ngân sách và cắt giảm chi tiêu đôi khi tạo ra cảm giác thiếu thốn, đau khổ.
Nhiều người đồng nghĩa tiết kiệm với việc phải từ bỏ niềm vui, sự thoải mái, bởi vậy họ thà “nhổ răng không tiêm thuốc tê” còn hơn là phải tiết kiệm. Nhiều người lại cho rằng tiết kiệm là biểu hiện của một tình trạng tài chính không tốt, người nghèo thì mới cần căn cơ tiết kiệm.
Chúng ta thường khó từ chối một cuộc đi chơi, mua món đồ dù không thích, để khẳng định hình ảnh của bản thân trong mắt những người khác. Nhưng đi kèm đó chắc chắn là rất nhiều căng thẳng và ảnh hưởng tiêu cực đối với tài chính cá nhân.
Nguồn gốc của Tiết kiệm ồn ào
Theo tờ New York Time, tiết kiệm ồn ào lần đầu tiên được đặt ra bởi Lukas Battle một diễn viên hài, đồng thời cũng là một nhà văn 26 tuổi sống ở New York. Trong một bài đăng trên kênh TikTok vào cuối tháng 12/2023, Battle cho biết anh đã nghĩ ra cách tiết kiệm ồn ào sau khi chi tiêu quá nhiều cho một đêm đi chơi.
Anh cũng nhận thấy xu hướng thương mại hóa đã được đẩy lên quá cao trong xã hội ngày nay, việc chạy theo những người nổi tiếng và thói quen tiêu dùng xa xỉ đã dẫn đến những hậu quả tài chính nghiêm trọng cho giới trẻ. Bởi vậy, bằng việc tuyên bố công khai kế hoạch ngân sách và chỉ tiêu tiền theo nhu cầu và mong muốn của cá nhân, Battle cho rằng, phong trào “tiết kiệm ồn ào” có thể giúp cho mọi người cảm thấy tự hào về các mục tiêu tài chính và việc tiết kiệm của bản thân, thay vì cảm thấy khó chịu hay xấu hổ.
Cụm từ này có thể là một “câu thần chú” chống lại những lời mời chi tiêu khi bạn không muốn, và giải thích thêm rằng “không phải là tôi không có đủ, mà là tôi không muốn chi tiêu”.
Ảnh hưởng của trào lưu Tiết kiệm ồn ào
Sự lan rộng nhanh chóng của trào lưu tiết kiệm ồn ào đã cho thấy giới trẻ ngày nay có ý thức cao về quản lý tài chính cá nhân. Họ cũng mong muốn sống trong khả năng và thể hiện đúng bản thân mình, thay vì “chạy theo cái nhìn của người khác”.
Tuy vậy, một số hình thức tiết kiệm thái quá cũng đã gây ra những ý kiến trái chiều. Một số thành viên trên các mạng xã hội truyền tai nhau những bí kíp như tranh thủ điện nước ở cơ quan để tiết kiệm, cắt giảm chi tiêu đến mức ảnh hưởng đến các nhu cầu sống tối thiểu…
Ngoài việc “làm quá” để “câu like, câu view” thì điều này lại cho thấy, nhiều bạn trẻ vẫn còn thiếu những kiến thức cơ bản về quản lý tài chính cá nhân, hiểu sai dẫn đến thực hành tiết kiệm sai. Điều này thậm chí có thể khiến cho bạn “lợi bất cập hại”, như là sếp phê bình, đồng nghiệp đánh giá, mất đi các mối quan hệ bạn bè…
Thế nào là tiết kiệm đúng?
Tiết kiệm đúng là khi chúng ta:
– Vẫn đảm bảo các điều kiện chi tiêu thiết yếu để duy trì cuộc sống an toàn. Nếu việc cắt giảm các chi phí ăn uống, sinh hoạt khiến cho sức khỏe bị ảnh hưởng, hay là lạm dụng sử dụng đồ của người khác, của công ty lại dẫn đến những hậu quả không mong muốn.
– Phải là quá trình thường xuyên, liên tục. Nếu bạn chỉ tiết kiệm một, hai tháng rồi thôi thì số tiền tiết kiệm đó hầu như không đáng kể. Nhưng sức mạnh của tiết kiệm sẽ được phát huy khi bạn duy trì trì kỷ luật tiết kiệm và sử dụng công cụ tài chính như là lãi suất kép, thì trong dài hạn, một số tiền tiết kiệm nhỏ cũng có thể trở nên rất lớn. Vì vậy, hãy tiết kiệm nhỏ, nhưng tiết kiệm đều và lâu.
– Ứng dụng quy tắc 50/30/20 để tiết kiệm hiệu quả: Quy tắc 50/30/20 khuyên chúng ta nên chia thu nhập thành 3 phần, 50% cho chi tiêu thiết yếu, 30% chi tiêu cho mong muốn và 20% cho tiết kiệm. Bằng việc thực hành quy tắc này thường xuyên, bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc duy trì tiết kiệm định kỳ.
>> Xem thêm Hiểu đúng về Quy tắc 50/30/20? – 2TARGET
>> Xem thêm Vận dụng Quy tắc 50/30/20 trong Quản lý tài chính cá nhân
“Ồn ào” có giúp chúng ta tiết kiệm nhiều hơn?
Trong cuốn Bí mật tư duy triệu phú của T.Harv Eker, tác giả cho rằng: những lời tuyên bố là “bí quyết đầy sức mạnh cho sự thay đổi”. Bởi vậy, việc tuyên bố công khai trên mạng xã hội về kế hoạch tài chính và mục tiêu tiết kiệm cũng là một cách giúp bạn nhắc nhở bản thân và thêm động lực thực hiện.
Tuy nhiên, nếu “tiết kiệm ồn ào” lại trở thành một phương thức để “sống ảo”, cố gắng tiết kiệm mà không phù hợp với bối cảnh của bản thân, thì bạn lại đang đi ngược lại với chính những mục đích mà trào lưu này được tạo ra. Vì vậy, hãy tiết kiệm một cách thông minh, và nhớ bí quyết tiết kiệm nhỏ, nhưng đều và lâu bạn nhé!
___________________
2TARGET – TIÊN PHONG TRONG ĐÀO TẠO TÀI CHÍNH
Địa chỉ: Tầng 2, Số 6 Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 0898 622 822
Website: www.2target.vn