Tại sao mức lương khiêm tốn vẫn nên giữ thói quen tiết kiệm?
Với mức lương 5-7 triệu, việc để ra một khoản tiền lớn có vẻ khó khăn. Tuy nhiên, việc tiết kiệm vẫn là điều quan trọng đối với người đi làm văn phòng vì các lợi ích sau đây mà nó mang lại:
Trước hết, tiết kiệm giúp bạn xây dựng một khoản Quỹ dự phòng trong trường hợp có khẩn cấp hoặc chi phí bất ngờ phát sinh. Quỹ dự phòng là số tiền bằng với 6-12 tháng chi tiêu thiết yếu của bạn (ăn uống, nơi ở, chi phí sinh hoạt cơ bản,…).
Ví dụ: Chi tiêu thiết yếu của bạn là 10 triệu/ tháng
=> Số tiền cho Quỹ dự phòng trong 6 tháng là: 6*10 = 60 triệu.
Đây có thể là một khoản tiết kiệm phòng trường hợp bạn bị ốm bệnh, cần tiền khám chữa, khi bạn thất nghiệp, mất đi nguồn thu nhập chính, đột xuất cần sửa chữa nhà cửa, hoặc để đối phó với tình huống khẩn cấp khác trong cuộc sống.
Tiếp theo, việc tiết kiệm giúp tạo cơ hội đầu tư cho tương lai. Một phần nhỏ thu được từ việc tiết kiệm có thể được đầu tư vào các khoản đầu tư có lợi suất cao hơn như chứng chỉ quỹ, cổ phiếu hoặc bất động sản, giúp gia tăng tài sản của bạn.
Khi ấy, bạn có thể dùng số tiền mà mình có được để thực hiện những mục tiêu mà bạn đã mong ước từ lâu như mua sắm, du lịch thỏa thích, hay nghỉ hưu sớm và tận hưởng thời gian nhàn nhã bên người thân yêu.
Cuối cùng, tiết kiệm cũng giúp bạn tạo thói quen quản lý tài chính tốt hơn. Khi bạn đã quen với việc tiết kiệm, bạn sẽ không còn dễ dàng chi tiêu buông thả, không suy nghĩ nữa. Đó là vì lúc này, bạn nhận thức được số tiền chi tiêu đó có thể bằng cả tháng tiết kiệm vất vả của mình.
Hoặc, thay vì việc chi tiêu tùy ý đó, bạn nhận thấy khoản tiền mình tiết kiệm được có thể tiếp tục sinh lời qua đầu tư. Từ đó, bạn tạo được cho mình thói quen luôn chi tiêu có mục đích và cân nhắc giữa các mục tiêu để xem nhu cầu nào sẽ cần đến tiền hơn trong hiện tại.
Với những lợi ích to lớn mà việc tiết kiệm mang lại, việc tiết kiệm không chỉ là việc làm khôn ngoan mà còn là một cơ hội để xây dựng nền tài chính vững chắc cho bản thân và gia đình bạn.
Nên tiết kiệm bao nhiêu tiền mỗi tháng?
Vì mỗi người có mức thu nhập khác nhau nên không có một mức tiết kiệm tiêu chuẩn nào cụ thể. Tuy nhiên, với mức thu nhập thấp thì có một phương pháp tiết kiệm bạn có thể sử dụng là quy tắc 70 – 20 – 10, tức là bạn sẽ dành:
- 70% thu nhập cho chi tiêu thiết yếu (bao gồm tiền ăn, tiền thuê nhà, xăng xe, chi phí khám sức khỏe định kỳ,…)
- 20% thu nhập cho việc tiết kiệm, đầu tư
- 10% thu nhập cho chi tiêu mong muốn (giải trí, du lịch, xem phim, đi cafe, ăn uống với bạn bè, mua sắm cá nhân,…)
Như vậy, giả sử bạn Trang là nhân viên Marketing với mức thu nhập 7 triệu đồng/tháng. Vậy thì số tiền Trang nên tiết kiệm hàng tháng là:
7.000.000 x 20% = 1.400.000 đồng/ tháng
và Trang có thể dành phần còn lại để chi trả các khoản chi tiêu thiết yếu và chi tiêu mong muốn.
Sau này, nếu mức thu nhập của Trang tăng lên, Trang có thể điều chỉnh lại quy tắc chi tiêu, ví dụ thành 50 – 20 – 30, tức là 50% thu nhập dành cho chi tiêu thiết yếu, 20% chi tiêu để tiết kiệm và đầu tư, còn 30% sẽ là dành cho chi tiêu mong muốn.
Các mẹo tiết kiệm tiền lương hàng tháng mà bạn nên biết
1. Luôn ghi chép các khoản chi tiêu hàng tháng:
Thống kê các khoản chi tiêu mỗi tháng giúp bạn kiểm soát dòng tiền hiệu quả cũng như sử dụng thu nhập một cách thông minh. Khi đã xác định khoản thu nhập sẽ dùng vào đâu, bạn cần đánh giá mức cần thiết của từng khoản để có phương án giảm trừ hoặc giữ nguyên. Thông thường, có thể kể đến các khoản chi phí cơ bản như sau:
– Chi tiêu thiết yếu:
- Chi phí chỗ ở như tiền nhà (với những ai ở trọ), tiền điện, nước, Internet,…
- Chi phí phát sinh như sửa chữa, thay mới vật dụng gia đình,…
- Chi phí ăn uống các buổi trong ngày.
- Chi phí đi lại gồm tiền xăng, gửi xe, bảo trì xe.
- Chi phí cho người thân trong cha đình như cha mẹ, con cái,…
– Chi tiêu mong muốn:
Chi phí phục vụ nhu cầu bản thân như du lịch, mua sắm,…
Chi phí ngoại giao, giữ mối quan hệ cần thiết (Tiếp khách, đi chơi với bạn bè,…)
Bạn cần đảm bảo tổng số tiền chi tiêu không vượt quá hoặc bằng với thu nhập hàng tháng để tránh phải vay nợ. Bên cạnh đó, nếu tính toán thu nhập hàng tháng không có khoản dư hoặc khoản dư dưới mức 15-20% thu nhập, bạn nên cân nhắc cắt giảm chi phí không thật sự cần thiết, nếu không tốc độ tiết kiệm của bạn sẽ rất chậm.
2. Luôn tự động trích 1 khoản tiết kiệm ngay khi nhận lương
Sai lầm của rất nhiều người là chi tiêu cá nhân trước, để đến cuối tháng dư ra bao nhiêu tiền thì mang đi tiết kiệm bấy nhiêu. Trong trường hợp này, bạn sẽ dễ sa đà vào việc dùng lương của mình cho chi tiêu mong muốn cá nhân để rồi cuối tháng nhận ra mình… không còn xu nào dính túi.
Thực tế, nhiều người nói lương ba đồng ba cọc nên có dư đâu mà tiết kiệm nhưng thực tế vẫn chi tiêu rất nhiều cho việc ăn hàng, uống cafe, mua sắm,… phục vụ nhu cầu không thiết yếu của cá nhân. Trong khi đó, để tiết kiệm hiệu quả thì việc cắt giảm các khoản này là bước đầu tiên phải làm.
Vì vậy, để tránh tình trạng trên, ngay khi nhận được lương, bạn nên trích một khoản tiết kiệm để riêng. Việc này vừa giúp bạn thoải mái trong chi tiếu hàng tháng khi kế hoạch tiết kiệm tháng đã được hoàn thành, vừa giúp bạn duy trì thói quen tiết kiệm đều đặn hiệu quả hơn.
3. Cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết:
Để tiết kiệm hiệu quả với mức thu nhập ít ỏi, quan trọng là bạn cần nhận biết rõ khoản chi tiêu nào là cần thiết và khoản nào không cần thiết. Điều này giúp xác định những khoản chi tiêu bạn có thể cắt giảm để tối ưu hóa số tiền sẵn có. Sau đây là một số gợi ý giúp bạn có thể làm việc này hiệu quả hơn:
– Hạn chế ăn uống bên ngoài
Bạn nên cân nhắc việc lên thực đơn ăn uống theo kế hoạch cụ thể để tiết kiệm hiệu quả hơn. Theo đó, bạn có thể lựa chọn thực phẩm theo một ngân sách đã định từ trước, chủ động trong việc quản lý chi tiêu ăn uống.
Bên cạnh đó, việc mua số lượng lớn thực phẩm với giá ưu đãi cũng giúp bạn tiết kiệm tiền không ít. Thêm nữa, vì đã có kế hoạch ăn uống hợp khẩu vị cũng như định lượng khẩu phần phù hợp nên sẽ hạn chế tình trạng vứt bỏ thức ăn thừa khi ăn ngoài gây tốn kém chi phí.
– Không mua sắm những đồ không cần thiết
Việc tránh mua những đồ không cần thiết vừa giúp bạn tiết kiệm, vừa để dành tiền cho những mục tiêu quan trọng hơn. Việc đặt ra câu hỏi ‘Có cần thiết không?’ trước khi mua sẽ giúp bạn nhận biết được sự khác biệt giữa nhu cầu thực sự và ham muốn tạm thời.
Hãy thử áp dụng cách này với việc mua sắp như mua hàng trên Shopee. Trước khi quyết định mua hàng, bạn có thể thêm món đồ vào giỏ hàng và giữ nó từ 3 – 30 ngày (tùy thuộc vào giá trị của sản phẩm, giá trị càng lớn nên để trong giỏ càng lâu). Sau thời gian đó, bạn có thể xem xét lại liệu bạn vẫn muốn mua sản phẩm đó hay không, trước khi thực hiện thanh toán.
Đôi khi, việc từ chối mua sắm không chỉ là việc cắt giảm chi tiêu mà còn là một bước đi thông minh để bạn thực sự làm chủ dòng tiền của mình. Điều này là bởi, nếu chúng ta cứ để bản thân chi tiêu thỏa thích thì dù số tiền có lớn tới đâu thì rồi cũng sẽ hết, kể cả khi gia tài của bạn có đồ sộ thế nào.
Ví dụ như tay đấm bốc huyền thoại này – Mike Tyson, người đã có 300 triệu bảng, tương đương 9,100 tỷ VNĐ vào những năm 90, nhưng lại phá sản vào năm 2003, không trả nổi hóa đơn điện nước. Lý do đơn giản bởi vì anh ta đã tiêu quá nhiều tiền vào những thứ anh ta không cần đến (điện thoại, biệt thự với 19 phòng tắm, nuôi 3 con hổ, những buổi tiệc tùng xa hoa…)
Quan trọng nhất, khi chi tiêu quá nhiều, dòng tiền của anh ta sẽ bị âm (thu nhập < chi tiêu) và anh ta sẽ nghèo.
Vậy từ câu chuyện của Mike Tyson ta học được gì?
Một trong những quy tắc quan trọng của dòng tiền trong Tài chính cá nhân đó là:
“thứ tự chi tiêu – tiêu cho tương lai, tiêu cho những gì cần thiết rồi mới chi tiêu cho những gì bạn mong muốn (ít cần thiết)”.
Khi nắm rõ được quy tắc này, bạn sẽ học được cách để dành tiền của mình cho những mục tiêu thật sự cần thiết và tránh tiêu tiền cho những mong muốn nhất thời.
– Ngừng trả tiền cho các gói đăng ký không sử dụng
Các dịch vụ đăng ký như nghe nhạc Spotify, xem phim Netflix,… sẽ rất hữu ích nếu bạn thực sự sử dụng chúng. Tuy nhiên nếu đã đăng ký mà quên hoặc không dùng thì bạn đang lãng phí số tiền mà mình có thể tiết kiệm được mỗi tháng. Huỷ mua những gói này là cách dễ nhất để bạn có thể bắt đầu tiết kiệm tiền.
Hãy bắt đầu bằng cách kiểm tra lịch sử thanh toán thẻ và sao kê thẻ tín dụng rồi lập danh sách tất cả các gói đăng ký mà bạn đang thanh toán. Hãy hủy bỏ những dịch vụ không còn đem lại giá trị cho bạn và những khoản thanh toán mà bạn có thể đã quên lãng.