
Sáng 5/2/2025, trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đề nghị các đại biểu dự báo, phân tích những vấn đề mới, những vấn đề nổi lên, như khả năng xảy ra chiến tranh thương mại trên thế giới.
Bài viết sau đây sẽ cung cấp cho bạn những hiểu biết cơ bản về chiến tranh thương mại, một số cuộc chiến tranh thương mại đã xảy ra trong lịch sử, và những gợi ý giúp bạn có đối sách phù hợp để chuẩn bị cho tình huống chiến tranh thương mại xảy ra.
Tóm tắt nội dung
Chiến tranh thương mại là gì?
Chiến tranh thương mại xảy ra khi các quốc gia áp dụng các biện pháp kinh tế để gây áp lực lên nhau, thường thông qua việc tăng thuế nhập khẩu, hạn chế xuất khẩu hoặc áp dụng các quy định khắt khe nhằm bảo vệ nền kinh tế nội địa. Mục đích của chiến tranh thương mại thường là để giảm sự phụ thuộc vào hàng hóa nước ngoài, tạo lợi thế cho ngành sản xuất trong nước hoặc phản ứng trước các chính sách thương mại không công bằng.

Chiến tranh thương mại không chỉ là cuộc đối đầu về chính sách thuế quan mà còn là cuộc chiến về công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ và ảnh hưởng kinh tế toàn cầu. Lịch sử đã chứng kiến nhiều cuộc chiến thương mại lớn, để lại hậu quả sâu rộng đối với các quốc gia liên quan.
Các cuộc chiến tranh thương mại đã từng xảy ra trong lịch sử
Chiến tranh thương mại Mỹ – Anh (1828 – 1846)
Từ đầu thế kỷ 19, Mỹ áp dụng chính sách bảo hộ nền công nghiệp non trẻ bằng cách tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nước ngoài, đặc biệt là sản phẩm công nghiệp từ Anh. Đỉnh điểm của chính sách này là Đạo luật Thuế quan năm 1828, hay còn gọi là “Tariff of Abominations” (Đạo luật Thuế quan Khủng khiếp), áp thuế lên tới 45-50%. Trước khi chiến tranh thương mại diễn ra, thương mại giữa Mỹ và Anh đạt khoảng 3 tỷ USD (tính theo giá trị ngày nay). Tuy nhiên, việc áp thuế cao đã làm giảm mạnh kim ngạch thương mại, gây tác động tiêu cực đến cả hai bên.

Anh không đứng yên trước chính sách bảo hộ của Mỹ. Nước này lập tức giảm nhập khẩu bông từ Mỹ và tìm kiếm nguồn cung thay thế từ các thuộc địa như Ấn Độ. Điều này khiến giá bông tại Mỹ giảm mạnh, từ mức 0.10 USD/pound, gây thiệt hại nặng nề cho các bang miền Nam nước Mỹ, vốn phụ thuộc vào xuất khẩu bông và nhập khẩu hàng hóa giá rẻ từ Anh.
Nhận thấy những hậu quả nghiêm trọng của cuộc chiến thương mại, Tổng thống Mỹ James K. Polk đã ký Đạo luật Thuế quan năm 1846 (Walker Tariff), giảm mức thuế trung bình xuống còn 25%. Cùng năm, Mỹ và Anh cũng đạt được Thỏa thuận Oregon năm 1846, giải quyết tranh chấp lãnh thổ tại khu vực Oregon, giảm căng thẳng chính trị và tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác kinh tế.
Chiến Tranh Thương Mại Mỹ – Nhật (1980-1990)
Trong thập niên 1980, căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản leo thang khi nền kinh tế Nhật vươn lên mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực ô tô, điện tử và thép. Đặc biệt khi thâm hụt thương mại Mỹ với Nhật Bản chiếm đến 42% tổng thâm hụt hàng hóa của họ đã khiến cho chính phủ Mỹ lo ngại. Chính phủ Mỹ dưới thời Tổng thống Ronald Reagan đã cáo buộc Nhật Bản thực hiện các chính sách thương mại không công bằng, trộm cắp tài sản trí tuệ và áp đặt thuế 100% lên các sản phẩm chất bán dẫn Nhật Bản. Washington gây áp lực buộc Tokyo hạn chế xuất khẩu bằng biện pháp “tự nguyện hạn chế xuất khẩu” (VER), đặc biệt là ô tô và thép. Đồng thời, Mỹ thúc đẩy Hiệp định Plaza năm 1985, khiến đồng yên tăng giá mạnh, làm hàng hóa Nhật kém cạnh tranh hơn.

Kết quả, Nhật Bản giảm xuất khẩu sang Mỹ nhưng lại rơi vào bong bóng tài sản. Khi bong bóng vỡ vào đầu những năm 1990, nước này bước vào “thập kỷ mất mát” với tăng trưởng trì trệ.
Nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – Trung
Hiện tại, Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu về thuế quan và chính sách thương mại. Từ năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã áp thuế hàng trăm tỷ USD lên hàng hóa Trung Quốc với cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, trợ cấp doanh nghiệp nhà nước và đánh cắp công nghệ Mỹ. Trung Quốc cũng đáp trả bằng cách áp thuế cao lên hàng hóa Mỹ. Tổng giá trị hàng hóa bị áp thuế trong cuộc chiến lần đầu tiên (tính đến năm 2020 lên đến hơn 550 tỷ USD đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 185 tỷ USD hàng hóa Mỹ.

Ngày 2/2/2025, Tổng thống Mỹ Donald Trump – không lâu sau khi nhậm chức lần 2, đã ký sắc lệnh hành pháp áp thuế mới với hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc. Một ngày sau, hai nước có chung biên giới với Mỹ được cho thêm 30 ngày chuẩn bị, nhưng không có ngoại lệ nào dành cho Trung Quốc. Chính sách mới cũng đã bãi bỏ “de minimis” – quy định lô hàng hóa trị giá dưới 800 USD khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ được miễn thuế – đã tồn tại từ những năm 1930. Đây là bước đi quyết liệt nhằm thay đổi cán cân thương mại và mang lại cơ hội mới cho các công ty nội địa trước sự bành trướng của sàn thương mại điện tử ngoại như Temu, Shein, Aliexpress… Theo đó, toàn bộ hàng Trung Quốc vào Mỹ bị áp thuế nhập khẩu thêm 10%.
Ngay sau đó, Bắc Kinh được cho rằng cũng đã “tung ra” các đòn trả đũa như: Áp thuế 15% đối với than và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG), 10% đối với dầu thô, máy móc nông nghiệp và một số loại xe hạng nặng… Trung Quốc cũng đã khởi kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Chiến tranh thương mại Mỹ Trung được cho là sẽ tác động đến cả hai bên và nhiều nước liên qua. Giá cả tăng cao, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người tiêu dùng ở cả hai nước. Các công ty Mỹ cũng chịu thiệt hại vì không thể xuất khẩu dễ dàng sang Trung Quốc. Căng thẳng thương mại có thể kéo dài, tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu và tăng trưởng kinh tế.
Cơ hội và khó khăn đối với Việt Nam
Đối với Việt Nam, chiến tranh thương mại nếu xảy ra được dự báo là có thể tạo ra cả cơ hội và khó khăn. Đó là cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng Việt Nam cũng có thẻ gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh từ hàng hóa Trung Quốc, xuất khẩu sang Trung quốc có thể gặp trở ngại, và cũng không loại trừ khả năng Việt Nam cũng có thẻ bị Mỹ trừng phát thương mại (Việt Nam cũng là nước xuất siêu sang Mỹ và nếu không kiểm soát chặt chẽ, hàng Trung Quốc có thể đội lốt “made in vietnam” để né thuế). Bên cạnh đó, tỷ giá và thị trường tiền tệ có thể bị ảnh hưởng do xu hướng tăng giá của đồng USD. Thị trường chứng khoán biến động do nhà đầu tư nước ngoài có thể rút vốn do lo ngại bất ổn kinh tế toàn cầu.
Chiến tranh thương mại: Ảnh hưởng đến ví tiền của bạn?
Chiến tranh thương mại, nếu xảy ra, có thể dẫn đến những ảnh hưởng đáng kể đến tài chính cá nhân. Đầu tiên, giá cả hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là hàng nhập khẩu, sẽ tăng cao do thuế quan và các rào cản thương mại. Điều này làm giảm sức mua của người tiêu dùng, buộc họ phải chi tiêu nhiều hơn cho cùng một lượng hàng hóa hoặc dịch vụ. Lạm phát gia tăng cũng bào mòn giá trị tiền tiết kiệm, khiến cho việc tích lũy tài sản trở nên khó khăn hơn. Nếu chiến tranh thương mại kéo dài và leo thang, nó có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, làm tăng tỷ lệ thất nghiệp. Việc mất việc làm hoặc giảm thu nhập sẽ gây khó khăn cho việc chi trả các khoản nợ, các chi phí sinh hoạt thiết yếu và ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tài chính dài hạn như đầu tư, hưu trí.

Ngoài ra, chiến tranh thương mại còn tác động đến thị trường chứng khoán. Sự bất ổn và lo ngại về tăng trưởng kinh tế có thể khiến thị trường chứng khoán biến động mạnh, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư. Giá trị danh mục đầu tư có thể giảm đáng kể, ảnh hưởng đến kế hoạch tiết kiệm hưu trí hoặc các mục tiêu tài chính khác.
>> Xem thêm:
Làm gì nếu chiến tranh thương mại xảy ra?
Chiến tranh thương mại có thể tác động trực tiếp đến tài chính cá nhân của mỗi người. Bởi vậy, để chuẩn bị cho những tình huống xấu nhất, bạn cần có chiến lược quản lý tài chính phù hợp:
- Hãy đa dạng hóa nguồn thu nhập: Nếu bạn chỉ phụ thuộc vào một nguồn thu nhập, bạn có thể gặp rủi ro khi kinh tế biến động. Hãy tìm cách kiếm thêm thu nhập từ nhiều nguồn như đầu tư, kinh doanh hoặc làm việc tự do.
- Tiết kiệm nhiều hơn: Chiến tranh thương mại có thể làm giá cả tăng cao, vì vậy hãy xây dựng một quỹ dự phòng ít nhất 6 tháng chi phí sinh hoạt.
- Xem xét lựa chọn hàng hóa tiêu dùng: Khi giá hàng hóa nhập khẩu tăng, hãy tìm kiếm sản phẩm thay thế nội địa để giảm chi phí sinh hoạt.
- Hạn chế vay nợ: Khi kinh tế bất ổn, việc mắc nợ quá nhiều có thể khiến bạn rơi vào khủng hoảng tài chính. Hãy tập trung trả nợ và hạn chế vay mới.
- Đầu tư thông minh, tránh đầu tư rủi ro cao: Cổ phiếu dễ bị ảnh hưởng, có thể cân nhắc trái phiếu hoặc tài sản an toàn hơn. Tránh đầu tư vào các ngành bị ảnh hưởng mạnh như công nghệ hoặc xuất nhập khẩu. Xem xét các ngành ít bị ảnh hưởng như tiêu dùng thiết yếu, y tế và năng lượng. Đa dạng hóa danh mục đầu tư để giảm rủi ro.
- Thường xuyên theo dõi tin tức kinh tế: Cập nhật thông tin về diễn biến chiến tranh thương mại để có thể đưa ra quyết định tài chính phù hợp.

___________________
2TARGET – TIÊN PHONG TRONG ĐÀO TẠO TÀI CHÍNH
Địa chỉ: Tầng 2, Số 6 Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 0898 622 822
Website: www.2target.vn