Tóm tắt nội dung
Người trẻ và “giấc mơ” nhà riêng
Khảo sát của Batdongsan.com.vn năm 2024 cho thấy trong số những người có nhu cầu mua nhà, độ tuổi 22 đến 29 chiếm tới 26%, và 30 đến 39 chiếm tới 38%. Nhu cầu tìm kiếm nhà đất của gen Z đã tăng 18,7%, gen Y tăng 42,1% so với năm 2021. Điều này chứng tỏ rằng, dù giá nhà đắt đỏ, người trẻ vẫn không ngừng mong muốn sở hữu một chỗ ở riêng.
Tỷ số giá nhà trên thu nhập (House price to income ratio – HPR) mới được cập nhật của nền tảng dữ liệu về chi phí sống Numbeo cho biết giá nhà trung bình ở Việt Nam hiện cao gấp 23,7 lần thu nhập trung bình hàng năm của một hộ gia đình. Số liệu của Bộ xây dựng cũng cho thấy, trong quý II/2024, tại một số thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, giá căn hộ chung cư đã tăng trung bình khoảng 5% đến 6,5% so với quý I và tăng tới 25% so với cùng kỳ năm trước.
Đứng trước xu hướng giá nhà không ngừng tăng, nhiều quan điểm cho rằng người trẻ Việt Nam đang rơi vào bẫy 3 không “không động lực, không kết hôn, không sinh con” chỉ vì “không có nhà”.
Người trẻ không nhất thiết mua nhà để “an cư”
Năng động, sáng tạo, tự tin và ưa thích dịch chuyển là những đặc điểm nổi bật của thế hệ trẻ hiện nay. Khác với ông bà, bố mẹ, người trẻ không chấp nhận sự thụ động, ngồi yên một chỗ. Họ ưa thích đi đây đi đó, sẵn sàng thay đổi công việc, thay đổi nơi sinh sống, trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ, trong nhiều vai trò khác nhau. Những xu hướng làm việc từ xa ngày càng phổ biến cũng thay đổi đáng kể lối nghĩ, lối làm và cả lối sống của người trẻ.
Trong xu hướng đó, “an cư lạc nghiệp” không còn ràng buộc người trẻ theo nghĩa là sống yên ổn ở một nơi duy nhất, mà là chọn nơi sống thuận tiện, hài hòa và phù hợp với công việc và nhu cầu của bản thân. Nhiều người trẻ chọn thuê nhà vì tính linh hoạt cao. Khi đổi công việc hoặc có nhu cầu mới, họ dễ dàng chuyển chỗ ở mà không phải lo lắng về việc mua bán nhà. Thay vì gánh nặng tài chính cho việc mua nhà, họ cũng có thể dành tiền cho các mục tiêu đầu tư có tính linh hoạt cao hơn như là chứng khoán, vàng, tài sản số… Cũng theo khảo sát của batdongsan.com.vn, lý do phổ biến nhất khiến người trẻ chọn thuê nhà là “không muốn định cư ở một nơi” và “ưu tiên sự linh hoạt”.
Người trẻ mua nhà để đầu tư
Không nhất thiết phải mua nhà để ở, nhưng nhiều người trẻ giờ đây cố gắng mua nhà vì xem đó là một kênh đầu tư. Giá nhà tăng liên tục, thay vì áp lực, lại trở thành cơ hội. Theo CBRE Việt Nam, độ tuổi quyết định mua nhà đang dần trẻ hóa. Trước đây phần lớn người có nhu cầu mua nhà là khách hàng có độ tuổi trung bình từ 35 – 45 thì trong giai đoạn gần đây những người mua căn nhà đầu tiên thường độ tuổi từ 27 – 30 tuổi.
Nhiều chính sách ưu đãi, cùng với môi trường lãi suất thuận lợi, là đòn bẩy giúp người trẻ tự tin đầu tư nhà đất. Sau vài năm tích lũy và trả nợ, họ có thể sở hữu một căn nhà riêng. Trừ đi mức lãi phải trả, họ vẫn nhận được một phần lợi nhuận đáng kể do giá nhà tăng nhanh hơn lãi suất vay. Chưa kể, ngay trong thời gian trả nợ đã có thể sử dụng nhà để cho thuê và thu được tiền hàng tháng.
Tuy vậy, để đầu tư thành công, cần có kế hoạch tài chính rõ ràng để tránh “bẫy mua nhà quá sớm” dẫn tới căng thẳng tài chính, áp lực, mất cân bằng cuộc sống, thậm chí có thể phải bán nhà trong tình trạng thua lỗ.
Những yếu tố người trẻ cần xem xét khi đầu tư nhà đất
Thu nhập
Theo một nghiên cứu gần đây, nếu không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà ở các thành phố lớn là 30 – 45 triệu đồng/tháng. Đây được coi là mức để có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm gốc và lãi ngân hàng hàng tháng. Với mức thu nhập thấp hơn, bạn nên tập trung tích lũy thêm, hoặc chọn mua nhà đất ở các khu vực ngoại thành với giá cả phải chăng hơn.
Tích lũy khoản trả trước
Để mua nhà, bạn thường cần ít nhất 30% giá trị tài sản để làm khoản trả trước, và có thể vay tối đa 70% từ ngân hàng, tùy vào điều kiện vay và khả năng tài chính của bạn. Do đó, tích lũy một khoản tiền nhất định là điều cần thiết trước khi mua nhà. Xây dựng kế hoạch tiết kiệm sớm sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được mục tiêu này.
Khoản vay hợp lý
Để tránh rủi ro tài chính, chỉ nên vay sao cho chi phí trả nợ hàng tháng không vượt quá 50% thu nhập hoặc 70% số tiền bạn tiết kiệm được hàng tháng. Ví dụ, nếu thu nhập của bạn là 30 triệu và tiết kiệm 10 triệu mỗi tháng, bạn nên giới hạn khoản vay sao cho số tiền trả gốc và lãi hàng tháng không quá 7 triệu đồng.
Ngoài ra, bạn cũng cần đánh giá tiềm năng tăng giá nhà đất:
– Mức tăng giá dự kiến: Đánh giá khả năng tăng giá nhà hàng năm bằng cách quan sát khu vực bạn định đầu tư. Mức tăng giá này nên cao hơn lãi suất vay ngân hàng khoảng 3-4%. Ví dụ, nếu lãi suất vay là 7%/năm, thì giá nhà cần tăng khoảng 10-11%/năm để đảm bảo khoản đầu tư không bị lỗ
– Chu kỳ bất động sản: Hiểu rõ chu kỳ bất động sản sẽ giúp bạn định hướng đúng thời điểm mua hoặc bán. Ở Việt Nam, chu kỳ bất động sản thường kéo dài khoảng 8-9 năm, với đỉnh là thời điểm giao dịch sôi động và đáy là khi thị trường trầm lắng, ít giao dịch.
– Tính thanh khoản: Tính thanh khoản cho biết mức độ dễ dàng mua bán của bất động sản. Các khu vực dân cư đông đúc, gần trung tâm và phục vụ nhu cầu ở thực thường có tính thanh khoản cao hơn các khu vực xa trung tâm. Vì vậy, với cùng một mức giá thì bạn nên chọn bất động sản ở các khu vực có tính thanh khoản cao hơn.
Xây dựng kế hoạch tài chính toàn diện
Mua nhà là một quyết định lớn, vì vậy bạn cần có một kế hoạch dài hạn và chiến lược tài chính rõ ràng. Các bước sau đây sẽ giúp bạn có một lộ trình tài chính đúng đắn:
- Kế hoạch tổng thể: Kế hoạch mua nhà nên phù hợp với các mục tiêu lớn trong cuộc sống. Tùy từng thời điểm, mục tiêu của bạn có thể khác nhau, và đầu tư vào nhà đất có thể hỗ trợ hoặc cản trở những mục tiêu đó. Ví dụ, nếu bạn dự định đi du học trong vòng 6 tháng tới, việc mua nhà có thể làm bạn gặp khó khăn khi cần bán để lấy tiền đi học. Do đó, hãy xây dựng bức tranh mục tiêu lớn và cân nhắc xem liệu mua nhà có phù hợp với hoàn cảnh của bạn không.
- Trước khi mua nhà: Để đảm bảo an toàn tài chính, trước khi mua nhà, bạn nên chuẩn bị một quỹ dự phòng tương đương 3-6 tháng chi tiêu cần thiết và tham gia bảo hiểm giảm thiểu rủi ro bất ngờ.
- Khi mua nhà: Xem xét kỹ các yếu tố tài chính như đã liệt kê, thiết lập kế hoạch trả nợ rõ ràng, tìm hiểu đầy đủ về pháp lý và hoàn tất các thủ tục cần thiết.
- Sau khi mua nhà: Quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ và kiểm soát chi tiêu để đảm bảo trả nợ theo đúng kế hoạch.
Sở hữu một ngôi nhà là một cột mốc lớn trong hành trình tài chính và cuộc sống của mỗi người. Tuy nhiên, thay vì chạy theo xu hướng hay chịu áp lực từ quan điểm truyền thống, bạn nên cân nhắc kỹ về khả năng tài chính, mục tiêu cá nhân, và những yếu tố quan trọng khác để đưa ra quyết định phù hợp.
Có thể hôm nay bạn chưa sở hữu một căn nhà, nhưng với chiến lược tài chính rõ ràng và những bước chuẩn bị vững chắc, con đường đến với “căn nhà mơ ước” sẽ không còn xa vời. Chìa khóa thành công nằm ở việc thấu hiểu mong muốn của bản thân và lập kế hoạch dài hạn, để mỗi quyết định tài chính đều góp phần xây dựng nền tảng vững chắc cho tương lai của bạn.
___________________
2TARGET – TIÊN PHONG TRONG ĐÀO TẠO TÀI CHÍNH
Địa chỉ: Tầng 2, Số 6 Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 0898 622 822
Website: www.2target.vn