Tóm tắt nội dung
Thực trạng tham gia bảo hiểm
Việt Nam hiện mới có khoảng 12% dân số tham gia bảo hiểm nhân thọ, nghĩa là cứ 100 người dân mới có 12 người có mua bảo hiểm, tỷ lệ này thấp hơn nhiều so với Malaysia (~50%), Singapore (~80%), và Mỹ (~90%). Trong khi rủi ro có thể xảy ra với bất kỳ ai, nhưng phần lớn người dân lại chưa mặn mà với bảo hiểm.
Không chỉ vậy, nhiều người Việt Nam còn có cái nhìn khá tiêu cực về bảo hiểm. Theo khảo sát của IBM, từ 2007 tới 2020, có tới 42% người dân Việt Nam chưa tin vào bảo hiểm. Cuối năm 2022, đầu năm 2023, niềm tin này bị tổn hại nghiêm trọng với “cuộc khủng hoảng” liên quan tới Bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) khiến chỉ số cảm xúc tiêu cực của khách hàng tăng vọt từ 2,2% lên tới 54% (gấp 19 lần). Sự thiếu tin tưởng này phần lớn xuất phát từ việc người tiêu dùng chưa hiểu đúng về bảo hiểm, dẫn đến sửu dụng sai cách.
Vậy đâu là những hiểu lầm phổ biến về bảo hiểm, và làm thế nào để sử dụng sản phẩm này một cách đúng và hiệu quả?
Những lầm tưởng về bảo hiểm
Mặc dù bảo hiểm đã xuất hiện ở Việt Nam từ những năm 1990, nhưng đến nay, vẫn có nhiều ngộ nhận, thường thấy như là:
Bảo hiểm là tiết kiệm, hay đầu tư
Nhiều người nhầm tưởng rằng bảo hiểm giống như tiền gửi tiết kiệm, hoặc đầu tư, mong đợi mua bảo hiểm để sau một thời gian, sẽ nhận lại một số tiền lớn.
Trên thực tế, bảo hiểm tích lũy là dòng sản phẩm bảo hiểm truyền thống trong đó khách hàng vừa được bảo vệ trước rủi ro, vừa có một phần phí đóng để đầu tư và chia lãi. Tuy nhiên, cốt lõi của bảo hiểm vẫn là bảo vệ, không phải để kiếm lợi nhuận. Kỳ vọng sai lầm này dẫn đến việc lựa chọn không đúng sản phẩm, khiến khách hàng mất niềm tin.
Cứ có bảo hiểm là được trả toàn bộ chi phí y tế
Nhiều người cho rằng có bảo hiểm nghĩa là mọi chi phí khám chữa bệnh sẽ được thanh toán.
Trên thực tế, mỗi loại bảo hiểm lại có phạm vi bảo vệ khác nhau, được quy định cụ thể tại hợp đồng bảo hiểm. Do đó, người dùng cần được tư vấn kỹ để chọn sản phẩm phù hợp và đọc hợp đồng cẩn thận trước khi ký.
Bảo hiểm chỉ dành cho người có sức khỏe yếu
Một hiểu lầm khác là chỉ khi bị bệnh hoặc gặp tai nạn mới cần bảo hiểm, còn người khỏe mạnh thì không cần.
Trên thực tế, ai cũng có thể gặp phải rủi ro, mà khi rủi ro xảy ra thì chi phí tài chính sẽ vô cùng lớn. Bên cạnh đó, nếu chờ đến khi sức khỏe yếu mới bắt đầu mua bảo hiểm, thì phí bảo hiểm sẽ rất cao. Thậm chí, trong một số trường hợp, công ty bảo hiểm có thể từ chối bán bảo hiểm.
Bảo hiểm chỉ dành cho người giàu
Nhiều người nghĩ rằng bảo hiểm chỉ dành cho người giàu, còn người nghèo không nên tốn tiền cho sản phẩm này.
Trên thực tế hoàn toàn ngược lại, người nghèo mới là người dễ tổn thương trước các cú sốc tài chính. Ví dụ hai người cùng bị ốm với chi phí chữa trị là 50 triệu, đây không phải là một vấn đề lớn đối với người giàu, nhưng lại là một gánh nặng rất lớn với người thu nhập thấp. Vì vậy, bảo hiểm chính là công cụ thiết yếu giúp người nghèo thoát khỏi những tình huống có thể dẫn đến kiệt quệ về tài chính.
Công ty bảo hiểm luôn được lợi
Hiểu nhầm này đến từ việc người tiêu dùng không hiểu rõ cơ chế vận hành của các công ty bảo hiểm, cho rằng công ty bảo hiểm thu tiền nhưng ít khi chi trả.
Trên thực tế, bảo hiểm hoạt động dựa trên nguyên tắc “chuyển giao rủi ro”. trong đó nhiều người cùng tham gia bảo hiểm và đóng góp một khoản nhỏ, và công ty sẽ sử dụng số tiền đó để bồi thường cho những ai gặp rủi ro. Thực chất, đây là hình thức chuyển giao rủi ro từ một cá nhân sang một tập thể, mà ở đó, công ty bảo hiểm chỉ đóng vai trò trung gian.
Như vậy, cần hiểu rõ bản chất của bảo hiểm, trên cơ sở đó, xem xét nhu cầu của bản thân để lựa chọn.
Một số mẹo để chọn và sử dụng bảo hiểm đúng cách
Làm sao để chọn được sản phẩm bảo hiểm phù hợp với nhu cầu của mình? Dưới đây là một số mẹo giúp bạn mua và sử dụng bảo hiểm hiệu quả:
Chọn nhân viên tư vấn uy tín
Nhân viên tư vấn đóng vai trò đặc biệt quan trọng để giúp khách hàng chọn đúng sản phẩm bảo hiểm. Đừng vội lựa chọn một nhân viên tư vấn bảo hiểm chỉ vì đó là người thân, bạn bè. Thay vào đó, hãy cân nhắc các tiêu chí sau:
– Thời gian làm nghề: Một nhân viên tư vấn bảo hiểm thường phải có thâm niên từ 3 năm trở lên mới có nhiều kinh nghiệm, giúp họ hiểu sâu hơn về sản phẩm và tư vấn tốt hơn.
– Độ ổn định: được đo bằng thời gian nhân viên đó làm việc cho một công ty bảo hiểm. Họ không nhất thiết phải cố định ở một công ty bảo hiểm suốt quãng đời làm việc của mình, tuy nhiên, nếu một nhân viên thay đổi công ty liên tục, thì sau khi khách hàng mua bảo hiểm, rất có thể nhân viên đó lại chuyển sang một công ty khác, và khó có thể hỗ trợ khách hàng đầy đủ.
– Sự tận tâm: Bạn sẽ dễ dàng nhận thấy nhân viên tư vấn có thực sự quan tâm đến nhu cầu của bạn qua cách họ lắng nghe, chia sẻ và chăm sóc khách hàng.
Đọc kỹ hợp đồng
Hợp đồng bảo hiểm thường dài và nhiều thuật ngữ khó hiểu, nhưng đừng vì thế mà bỏ qua. Để đọc hợp đồng nhanh và hiệu quả, bạn nên tập trung vào các nội dung chính như:
- Phạm vi bảo hiểm và các loại phẫu thuật được chi trả
- Những bệnh viện được chi trả
- Cách thức được chi trả
- Thời gian chờ
Khai báo đầy đủ, trung thực
Việc khai báo đầy đủ và trung thực thông tin cá nhân là bắt buộc khi tham gia bảo hiểm. Nếu phát hiện khách hàng cố tình khai báo sai, công ty bảo hiểm có thể từ chối bồi thường, thậm chí khởi kiện hành vi trục lợi bảo hiểm.
Thanh toán phí bảo hiểm đúng hạn
Nếu khách hàng chậm thanh toán phí bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm có thể bị hủy và quyền lợi của khách hàng sẽ mất. Để tránh rủi ro này, hãy đảm bảo nộp phí đầy đủ và đúng hạn. Trong trường hợp gặp khó khăn, khách hàng có thể liên lạc với công ty bảo hiểm để tìm giải pháp phù hợp
Liên lạc ngay khi rủi ro xảy ra
Trong trường hợp gặp rủi ro, hãy thông báo ngay cho công ty bảo hiểm để được hỗ trợ kịp thời và đảm bảo quyền lợi của mình.
___________________
2TARGET – TIÊN PHONG TRONG ĐÀO TẠO TÀI CHÍNH
Địa chỉ: Tầng 2, Số 6 Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 0898 622 822
Website: www.2target.v