Tiết kiệm khác với hà tiện như thế nào?

Khi mua hàng, bạn có thói quen nhìn giá cả hay cân nhắc giá trị món hàng sắp mua?

Trước khi phân biệt một người tiết kiệm với người hà tiện, có lẽ chúng ta nên quay về vòng quay căn bản của đồng tiền, bao gồm kiếm tiền, tiêu tiền, tiết kiệm và đầu tư. Hiện tại, trong tài chính cá nhân còn có thêm bước thứ 5 là quản lý rủi ro.

Hầu hết chúng ta cần kiếm tiền để sinh hoạt và phục vụ nhu cầu. Nhưng, một vài người sẽ có khoản dư sau chi tiêu trong khi một bộ phận lại “chưa hết tháng đã hết lương”. Đây là điểm khác biệt giữa các cá nhân chủ động quản lý tiền với người khác.

Ở mặt giữ tiền, hà tiện thực chất giống với tiết kiệm. Bởi về cơ bản, hà tiện chính là sự không hiểu rõ bản chất tiết kiệm trong quản lý ngân sách.

Sau đây là một số đặc điểm của hành vi hà tiện.

Không phân biệt được giá trị, giá cả

“Giá cả là thứ bạn phải trả, còn giá trị là điều bạn sẽ nhận” – câu nói nổi tiếng của Warren Buffett luôn làm chúng ta suy nghĩ về việc chi tiêu từ lớn đến nhỏ hàng ngày.

Cùng là hành động dè sẻn, nhưng người tiết kiệm thường quan tâm nhiều đến giá trị nhận lại. Mặt khác, người hà tiện, hay “tiết kiệm giả”, có xu hướng chú trọng số tiền mình sẽ bỏ ra.

Ví dụ, khi cần mua chiếc tủ lạnh mới, một người biết cân nhắc có thể chấp nhận mua với giá 6 triệu đồng, miễn là chất lượng tốt, phù hợp với nhu cầu và có bảo hành chính hãng đầy đủ.

Trong khi đó, người keo kiệt sẽ thấy số tiền trên quá đắt, chuyển sang mua một chiếc tủ lạnh cũ của người quen bán lại với giá dưới 1 triệu đồng.

Tủ lạnh cũ có thể tiếp tục trữ thực phẩm được lâu dài hoặc không. Trong trường hợp nó hư ngay sau đó vài tuần hoặc vài tháng, thì câu “tiền nào của nấy” sẽ phát huy tác dụng.

Thực tế, những người tiết kiệm vẫn muốn mua giá rẻ, nhưng họ sẵn sàng chi với tư duy lợi ích dài hạn của món đồ mình bỏ tiền ra mua.

Giữ tiền nhưng không có kế hoạch tiết kiệm cụ thể

“Đừng tiết kiệm những gì còn lại sau khi tiêu, hãy tiêu những gì còn lại sau tiết kiệm” là một lời khuyên nữa của Warren Buffett. Tuy nghe đơn giản, không ít người lại không thể thực hiện. Họ trì hoãn thói quen tích lũy nên dễ lâm vào tình trạng mất cân đối chi tiêu.

Cụ thể, người tiết kiệm là người biết sắp xếp thứ tự ưu tiên của mình, nghĩa là dành dụm trước, tiêu dùng sau.

Người hà tiện nhiều khả năng không cân nhắc việc này mà chỉ chăm chăm chi ít nhất có thể.Kế hoạch tiết kiệm thực ra không quá phức tạp. Hiểu nôm na, mỗi khi có một khoản thu nhập (định kỳ hoặc bất thường), bạn có thể gửi ngân hàng, ví điện tử hay tài khoản sinh lời của mình một phần cố định.

Ngoài ra, hãy mặc định mình chỉ được tiêu xài trong phạm vi phần còn lại.

Con số trích ra tùy thuộc vào từng cá nhân. Bạn có thể chọn 10%, 20% hay 30% tùy mục tiêu và khả năng tài chính. Điều quan trọng là bạn kỷ luật không đụng đến số tiền đó hoặc chỉ dùng cho việc cấp thiết.

Suy nghĩ ngắn hạn

Ở mỗi giai đoạn của cuộc đời, chúng ta cần ngân sách để chi cho các khoản lớn như học tập, kết hôn, sinh con, mua nhà, mua xe, phụng dưỡng cha mẹ, nghỉ hưu,…

Việc tích lũy từ sớm sẽ giúp ta làm được điều đó. Bằng cách đặt tỷ lệ tiết kiệm và đều đặn dành dụm, những khoản tiền nhỏ đều có thể “tích tiểu thành đại”.

Đứng trước một khoản chi, người tiết kiệm thường hiểu mình đang thắt lưng buộc bụng vì mục tiêu gì, nhưng người hà tiện dễ hạn chế chi tiêu vì cho rằng tốn kém. Có lẽ, ai trong chúng ta cũng có 1-2 người bạn không bao giờ dám đi du lịch, ăn ngon dù tiền bạc rủng rỉnh.

>> Xem thêm: Những vấn đề gặp phải khi sinh viên không biết quản lý tài chính cá nhân.

Làm thế nào để bắt đầu sống tiết kiệm hơn?

Hiện tại, có 2 lối sống phổ biến ở người trẻ là YOLO (Bạn chỉ sống một lần) và FIRE (Tự do tài chính, nghỉ hưu sớm).

Dù cả hai xu hướng đều có điểm mạnh, điểm yếu riêng, nhưng nếu bạn quan tâm đến FIRE, thì điều đầu tiên bạn cần là tư duy tiết kiệm tốt và tính kỷ luật cao.

Để tự kiểm tra khả năng tiết kiệm của bản thân, bạn có thể trả lời 3 câu hỏi:

  • Tại sao tôi phải tiết kiệm? Nói cách khác, bạn đang muốn để tiền lại cho việc gì? Hãy nghĩ về những khoản chi lớn trong tương lai như có đề cập trong bài.
  • Tôi có đang tiết kiệm hiệu quả? Bạn đang cắt giảm tối đa nhu cầu hay biết cách phân bổ để vừa tích lũy, vừa dùng các khoản tiền nhàn rỗi để đầu tư sinh lợi?
  • Số lượng các khoản chi “không có cũng không sao” có nhiều không? Nếu có, bạn có thể giảm bớt như thế nào?

Tóm lại, tiết kiệm hay hà tiện liên quan đến tư duy tài chính và dẫn đến hành vi tiêu tiền. Do đó, trước khi quyết định chi tiêu, dù lớn hay nhỏ, bạn cũng nên suy nghĩ lợi ích chúng mang lại và dự định tương lai của mình