Đầu tư tài chính là gì?
Đầu tư tài chính là một hình thức sử dụng các khoản tiền nhàn rỗi để đầu tư vào các tài sản nhằm tạo ra thu nhập thụ động. Đầu tư tài chính đóng vai trò rất quan trọng vì nó giúp bạn chống lại sự mất giá tự nhiên của đồng tiền do lạm phát, đa dạng hóa nguồn thu và duy trì thu nhập thụ động mà không đòi hỏi bạn phải tham gia trực tiếp các hoạt động kinh doanh hay bất cứ hình thức lao động nào khác. Một số kênh đầu tư tài chính phổ biến như là: tiền gửi tiết kiệm, đầu tư chứng khoán, đầu tư vàng, bất động sản, và giao dịch ngoại hối…
Người có số vốn nhỏ có đầu tư được không?
Một trong những đặc tính quan trọng của đầu tư tài chính là nhà đầu tư có thể tham gia ngay cả với số vốn rất nhỏ, vì vậy, hầu như ai cũng có thể đầu tư tài chính. Ở các nước tiên tiến, đầu tư tài chính thường chiếm một vị trí đáng kể trong cơ cấu tài sản của mỗi cá nhân, trong đó tỷ lệ đầu tư vào từng kênh tài sản không giống nhau mà phụ thuộc vào tính chất và sở thích của nhà đầu tư tại từng thị trường.
Ví dụ, tại Mỹ đầu tư vào cổ phiếu, cổ phần công ty chiếm tới gần 40% trong tổng cơ cấu tài sản tài chính của cá nhân; trong khi tại Nhật Bản gửi tiết kiệm lại chiếm tỷ trọng cao nhất – tới trên 54%; tại Anh, đầu tư vào các quỹ hưu trí (pension fund) là kênh đầu tư chiếm tỷ trọng số một – chiếm tới 37,9%; còn tại Pháp, đầu tư vào bảo hiểm nhân thọ lại chiếm tới gần 30%.
Tuy nhiên, rào cản lớn nhất thường khiến nhiều cá nhân chưa tham gia vào đầu tư tài chính là do lo ngại rủi ro mất vốn. Bởi vậy, để đầu tư tài chính hiệu quả, bạn cũng cần có sự chuẩn bị nhất định trước khi tham gia đầu tư.
5 bước giúp bạn đầu tư tài chính hiệu quả
Sau đây là quy trình 5 bước giúp bạn có thể tự mình đầu tư tài chính hiệu quả:
Bước 1: Xây dựng hàng rào bảo vệ rủi ro
Thông thường, khi nghĩ đến đầu tư tài chính, người ta thường nghĩ ngay đến việc mua tài sản nào, phân bổ với tỷ trọng ra sao? Tuy nhiên, đây lại là cách có thể khiến bạn rơi vào thua lỗ rất nhanh.
Trên thực tế, có rất nhiều rủi ro như ốm đau, tai nạn, mất thu nhập… có thể xảy ra trong khi bạn đang đầu tư. Nếu không có những hàng rào bảo vệ, thì bạn có thể buộc phải bán rẻ tài sản trong những tình huống như vậy. Vì vậy, trước khi đầu tư tài chính, việc xây dựng quỹ dự phòng và mua bảo hiểm là hai bước quan trọng để bảo vệ tài chính cá nhân và đảm bảo an toàn trước những rủi ro không lường trước. Đầu tiên, quỹ dự phòng tương đương với 3 – 6 tháng chi tiêu thiết yếu, giúp bạn có nguồn tiền dự trữ để ứng phó với các tình huống khẩn cấp như mất việc, bệnh tật, hoặc các chi phí bất ngờ. Điều này giúp bạn tránh phải bán tài sản đầu tư với giá thấp hoặc rút tiền từ các khoản đầu tư trong thời điểm không thuận lợi. Bảo hiểm giúp giảm thiểu các rủi ro tài chính lớn có thể xảy ra, chẳng hạn như tai nạn, bệnh tật nghiêm trọng, hoặc tổn thất về tài sản. Khi các rủi ro này xảy ra, bảo hiểm sẽ giúp bạn trang trải chi phí mà không làm ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư.
Bước 2: Xác định lợi nhuận kỳ vọng và khẩu vì rủi ro
Lợi nhuận kỳ vọng là mức lợi nhuận mà nhà đầu tư hy vọng đạt được từ một khoản đầu tư, dựa trên các phân tích về thị trường, doanh nghiệp, và các yếu tố kinh tế khác. Việc xác định lợi nhuận kỳ vọng giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng về khả năng sinh lời của khoản đầu tư và từ đó đưa ra các quyết định hợp lý hơn.
Khẩu vị rủi ro (risk appetite) là mức độ rủi ro mà nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận. Mỗi nhà đầu tư có mức khẩu vị rủi ro khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như mục tiêu tài chính, độ tuổi, kinh nghiệm đầu tư, và tình hình tài chính cá nhân. Nhà đầu tư cần xác định rõ khẩu vị rủi ro của mình để chọn lựa các khoản đầu tư phù hợp và tránh bị lôi kéo vào các quyết định không phù hợp với mục tiêu và khả năng chịu đựng của mình.
>> Xem thêm: Tính cách tiền bạc – Bạn thuộc loại nào?
Kết hợp giữa lợi nhuận kỳ vọng và khẩu vị rủi ro giúp bạn thiết lập một chiến lược đầu tư cân bằng, vừa đạt được lợi nhuận mục tiêu vừa không vượt quá khả năng chịu đựng rủi ro của bản thân.
Bước 3: Hiểu về các lớp tài sản
Trước khi đầu tư, việc hiểu rõ các lớp tài sản là rất quan trọng để xây dựng một danh mục đầu tư phù hợp và hiệu quả. Mỗi lớp tài sản, chẳng hạn như cổ phiếu, trái phiếu, bất động sản, và vàng, có đặc điểm riêng về lợi nhuận, rủi ro, và tính thanh khoản.
Bất động sản là lớp tài sản phổ biến, thường được nhiều người Việt nắm giữ. Bất động sản mang lại thu nhập từ việc cho thuê và tăng giá trị tài sản theo thời gian, nhưng thường đòi hỏi số vốn lớn, giao dịch phức tạp, chịu nhiều quy định pháp lý, tính thanh khoản thấp hơn so với cổ phiếu và trái phiếu.
Cổ phiếu là lớp tài sản có tính thanh khoản cao, thường mang lại lợi nhuận cao nhưng cũng đi kèm với mức rủi ro lớn hơn. Nhiều chuyên gia đầu tư cho rằng, nếu bạn muốn giảm thiểu rủi ro và có được lợi nhuận kỳ vọng tốt, thì nên coi đầu tư cổ phiếu phải là một kênh đầu tư trong dài hạn, chứ không phải là lướt sóng ngắn hạn.
Trái phiếu là lớp tài sản dễ dàng tạo ra dòng tiền ổn định và ít rủi ro hơn, nhưng cũng thường có lợi nhuận thấp hơn. Bên cạnh đó, trái phiếu là một loại chứng chỉ nợ, cần đáp ứng cái tiêu chuẩn về mặt pháp lý, do đó đây là một cái tài sản mà khi đầu tư bạn cũng cần phải có nhiều lưu ý và đánh giá kỹ, đặc biệt là về tổ chức phát hành cũng như tổ chức bảo lãnh phát hành.
Vàng thường được xem là phương tiện bảo vệ tài sản chống lại lạm phát và biến động thị trường, nhưng chúng cũng có những rủi ro riêng. Thông thường, khi kinh tế ổn định thì giá vàng thường sẽ không tăng, vì vậy hiệu quả đầu tư không nhiều.
>> Xem thêm: 3 đặc tính của vàng cần lưu ý để đầu tư hiệu quả
Tiền gửi tiết kiệm là lớp tài sản thường được xem là an toàn nhất, tính thanh khoản cao do có thể rút ra bất cứ lúc nào. Tuy vậy, với lãi suất tiền gửi thấp, tiền gửi tiết kiệm có thể bị xói mòn do tác động của lạm phát của nền kinh tế.
Bước 4: Phân bổ tài sản đầu tư
Phân bổ tài sản đầu tư là quá trình chia nhỏ vốn đầu tư của bạn vào các lớp tài sản khác nhau. Mục tiêu chính của việc phân bổ tài sản là đa dạng hóa danh mục đầu tư, nhằm giảm thiểu rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận. Khi đầu tư vào nhiều loại tài sản khác nhau, nhà đầu tư có thể cân bằng những rủi ro từ một loại tài sản với lợi nhuận từ loại tài sản khác. Ví dụ, khi thị trường cổ phiếu giảm, trái phiếu có thể vẫn giữ giá trị hoặc thậm chí tăng giá, giúp bảo vệ giá trị tổng thể của danh mục đầu tư.
Phân bổ tài sản hiệu quả phụ thuộc vào mục tiêu tài chính, thời gian đầu tư, và khẩu vị rủi ro của từng cá nhân. Bạn cần định kỳ đánh giá lại việc phân bổ tài sản để đảm bảo rằng danh mục đầu tư vẫn phù hợp với mục tiêu và tình hình thị trường hiện tại.
Nếu bạn còn ngần ngại vì chưa có đủ kiến thức để tự phân bổ tài sản đầu tư, có thể lựa chọn cách đầu tư gián tiếp thông qua chứng chỉ quỹ mở hoặc chứng chỉ quỹ ETF. Đây cũng là kênh đầu tư mà giới văn phòng ở các nước rất ưa chuộng.
Bước 5: Sử dụng đòn bảy tài chính hợp lý
Sử dụng đòn bẩy tài chính trong đầu tư là một chiến lược giúp nhà đầu tư gia tăng quy mô vốn đầu tư bằng cách vay mượn thêm tiền từ các nguồn bên ngoài, như ngân hàng hoặc các tổ chức tài chính. Điều này cho phép nhà đầu tư tiếp cận các cơ hội đầu tư lớn hơn và có khả năng thu được lợi nhuận cao hơn so với việc chỉ sử dụng vốn tự có.
Tuy nhiên, việc sử dụng đòn bẩy tài chính cần được thực hiện một cách hợp lý, vì nó đi kèm với rủi ro cao hơn. Nếu đầu tư thành công, đòn bẩy có thể khuếch đại lợi nhuận, nhưng ngược lại, nếu thị trường diễn biến xấu hoặc đầu tư không đạt kỳ vọng, nhà đầu tư có thể phải đối mặt với khoản lỗ lớn hơn số vốn đầu tư ban đầu.
Việc đánh giá cẩn thận khả năng tài chính và xác định mức đòn bẩy phù hợp là điều quan trọng để bảo vệ tài sản và duy trì sự ổn định tài chính lâu dài. Trước tiên, bạn cần xem xét tính ổn định về dòng thu nhập của mình hàng tháng, tránh tình trạng khi bắt đầu vay thì thu nhập tốt, nhưng vay được một vài tháng, thì thu nhập giảm sút, bạn có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc trả nợ. Bạn có thể vay tối đa từ 30 đến 50% thu nhập, hoặc vay số tiền sao cho khoản trả hàng tháng không vượt quá 70% số tiền tiết kiệm được. Để biết được giai đoạn nào nên vay nhiều, giai đoạn nào nên vay ít thì cần quan tâm đến chênh lực giữa lợi nhuận kỳ vọng của tài sản đầu tư và mức lãi suất vay. Nếu lãi suất vay ngân tiệm cận với lợi nhuận kỳ vọng, hay lợi nhuận kỳ vọng không đủ lớn hơn lãi suất vay từ 3-4% trở lên thì bạn nên tạm ngừng việc vay vốn.
Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ tích luỹ thêm được những kiến thức nền tảng về đầu tư tài chính, tự tin hơn khi đầu tư. 2Target chúc các bạn sớm đạt được mục tiêu tài chính đã đặt ra!
___________________
2TARGET – TIÊN PHONG TRONG ĐÀO TẠO TÀI CHÍNH
Địa chỉ: Tầng 2, Số 6 Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 0898 622 822
Website: www.2target.vn