Lừa đảo tài chính và tầm quan trọng của quản lý tài chính cá nhân

Lừa đảo tài chính đang gia tăng đáng báo động, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với người dân Việt Nam. Tình trạng này cho thấy sự cần thiết phải nâng cao nhận thức và cảnh giác trong cộng đồng. Trong bối cảnh đó, quản lý tài chính cá nhân trở thành yếu tố thiết yếu giúp mỗi cá nhân tự bảo vệ mình khỏi các cạm bẫy. Việc trang bị kiến thức và kỹ năng tài chính sẽ giúp nhận diện các hình thức lừa đảo, bảo vệ tài sản và ổn định cuộc sống.

Báo cáo Lừa đảo tài chính toàn cầu của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) 2024 đã đánh giá: “lừa đảo về tài chính ngày càng gia tăng, cả về số lượng các hành vi phạm tội cũng như sự đa dạng về cách thức triển khai. Gian lận tài chính đã trở thành một hiện tượng phổ biến, một mối đe dọa toàn cầu”.

Tại Việt Nam, theo thống kê trên Cổng cảnh báo an toàn thông tin – Bộ công an, trong năm 2023, ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến, gây thiệt hại 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP, trong đó 91% liên quan đến lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022[1].

Thực trạng cho thấy Việt Nam đang là vùng trũng của lừa đảo tài chính.
Thực trạng cho thấy Việt Nam đang là vùng trũng của lừa đảo tài chính.

Liên minh Chống lừa đảo toàn cầu (GASA) và dự án xã hội chống lừa đảo đã phối hợp công bố báo cáo về tình trạng lừa đảo qua mạng tại Việt Nam năm 2023, theo đó “Có gần 16 tỉ USD do người Việt Nam bị lừa đảo qua mạng trong tổng số 53 tỉ USD toàn cầu”. Đó là con số rất lớn để thấy rằng Việt Nam là vùng trũng nhận thức thông tin và sử dụng mạng, và điều này đã góp phần không nhỏ khiến cho rất nhiều người đã bị rơi vào các bẫy lừa đảo tài chính.

6 hình thức lừa đảo tài chính phổ biến

Theo Interpol, có 6 hình thức lừa đảo chính.
Theo Interpol, có 6 hình thức lừa đảo tài chính phổ biến.

Theo Báo cáo của Interpol, có 6 hình thức lừa đảo tài chính phổ biến, bao gồm:

Lừa đảo mạo danh

Đây là hình thức lừa đảo trong đó kẻ phạm tội đóng giả một người hoặc một tổ chức mà nạn nhân có thể có mối quan hệ trước đó. Ví dụ như kẻ phạm tội có thể mạo danh cơ quan thuế, hoặc cảnh sát, một nhà cung cấp dịch vụ mà nạn nhân đã sử dụng hoặc một người quen ở xa. Lừa đảo mạo danh thường dựa vào việc khơi dậy nỗi sợ hãi hoặc lo lắng để hòng lừa dối nạn nhân.

Lừa bảo bằng email doanh nghiệp

Đây là hình thức kẻ lừa đảo sử dụng kỹ thuật số nhắm mục tiêu vào doanh nghiệp, xâm phạm tài khoản email, mạo danh các giám đốc điều hành, luật sư để lừa gạt nhân viên chuyển tiền vào tài khoản thuộc sở hữu của kẻ lừa đảo. Hoạt động lừa đảo này có thể trở thành lừa đảo mạo danh quy mô lớn, nhắm tới hàng triệu doanh nghiệp và cá nhân qua email, tin nhắn, các mạng xã hội của các tổ chức…

Lừa đảo đầu tư

Lừa đảo đầu tư liên quan đến việc lừa dối người đầu tư bỏ tiền tham gia các dự án đầu tư mạo hiểm hoặc dự án đầu tư giả dẫn đến thiệt hại tài chính đáng kể cho nạn nhân. Trong số các loại lừa đảo tài chính thì loại này thường dẫn đến tổn thất nhiều nhất cho nạn nhân. Kẻ lừa đảo thường sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau như là: hứa hẹn lợi nhuận cao, trình bày một kế hoạch đầu tư không có thật và tạo ra những nhu cầu mang tính cấp bách. 

Loại hình lừa đảo này cũng thường áp dụng với các mô hình đa cấp, ponzi, giúp cho những kẻ lừa đảo tiếp cận một số lượng nạn nhân rộng lớn hơn, duy trì dòng vốn và gia tăng lợi nhuận cho những kẻ lừa đảo. Những kẻ lừa đảo thường nhắm tới nạn nhân – những nhà đầu tư tiềm năng thông qua các mạng xã hội, các trang web lừa đảo, hoặc các ứng dụng trên điện thoại, các cuộc tiếp thị qua điện thoại, hoặc cũng có thể là tiếp thị trực tiếp. 

Chúng có thể lợi dụng hình ảnh của các pháp nhân kinh doanh được thành lập hợp pháp để làm bình phong. Sự phát triển của tiền điện tử/tiền ảo trong những năm gần đây càng khiến cho loại hình lừa đảo này phát triển mạnh mẽ. Những kẻ lừa đào sử dụng các nền tảng đầu tư tiền điện tử để thuyết phục nhà đầu tư tham gia.

Lừa đảo “lãng mạn”

Đây là loại lừa đảo mà kẻ lừa đảo sẽ phát triển “mối quan hệ tin cậy/thân mật” với nạn nhân, thường bắt đầu thông qua mạng xã hội, các ứng dụng hẹn hò, tin nhắn. Sau đó, chúng thao túng nạn nhân nhiều lần, gây ra cả tổn hại về tinh thần và tài chính đối với nạn nhân.

Lừa đảo "lãng mạn": Trái tim bị đánh cắp mà tiền bạc cũng "bốc hơi".
Lừa đảo “lãng mạn”: Trái tim bị đánh cắp mà tiền bạc cũng “bốc hơi”.
Lừa đảo thanh toán

Là loại lừa đảo phổ biến nhất, liên quan đến giao dịch mua/bán hàng hóa hoặc dịch vụ. Kẻ lừa dảo có thể sử dụng các trang web thương mại trực tuyến, các mạng xã hội, hoặc các phương tiện khác để thúc đẩy việc bán hàng. Chúng yêu cầu thanh toán trước, và sau đó không chuyển hàng, hoặc hàng hóa có chất lượng thấp hơn đáng kể so với quảng cáo.

Lừa đảo danh tính

Đây là việc mua lại trái phép và sử dụng thông tin cá nhân (tên người dùng, mật khẩu, thông tin thẻ tín dụng, dữ liệu sinh trắc học…) để chiếm đoạt một khoản tài chính bất hợp pháp. Kẻ lừa đảo danh tính có thể chiếm đoạt quyền truy cập thông tin cá nhân thông qua các ứng dụng kỹ thuật số, xâm nhập hệ thống hoặc trộm cắp vật lý.

Do vậy, lừa đảo danh tính có thể xảy ra trên hai cách. Một là nạn nhân có thể đã tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo thu thập, sử dụng thông tin bất hợp pháp (ví dụ như click vào link lừa đảo). Hoặc cũng có thể việc lừa đảo không có sự tham gia trực tiếp của nạn nhân, mà thông tin của họ đã bị lấy cắp, hoặc lộ lọt từ các cá nhân, tổ chức khác. Bọn tội phạm cũng có thể sử dụng danh tính của nạn nhân để tiếp tục tiến hành các hình thức lừa đảo khác.

Tại khu vực châu Á, lừa đảo tài chính được xem là xu hướng tội phạm có mối đe dọa rất cao, bởi vì đây cũng là khu vực có tốc độ phát triển kỹ thuật số nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo của Interpol năm 2024, một hình thức lừa đảo mới khá phổ biến ở khu vực này được gọi là “giết mổ lợn” (the pig butchering fraud scheme) là một biến thể của hình thức “lừa đảo lãng mạn” có liên quan đến đầu tư tiền điện tử.

Xuất phát từ hình ảnh “nuôi lợn vỗ béo rồi thịt”, những kẻ lừa đảo này thiết lập mối quan hệ thân thiết, lôi kéo nạn nhân vào các dự án đầu tư tiền điện tử, sau khi đạt được quy mô lớn thì biến mất. Mặc dù dữ liệu sẵn có của Interpol cho thấy rằng tất cả các nhóm tuổi đều dễ bị lừa đảo, phần lớn nạn nhân ở khu vực châu Á có độ tuổi từ 30 đến 49, nạn nhân chủ yếu được nhắm đến thông qua phương tiện truyền thông, mạng xã hội và các nền tảng tin nhắn.  

Giải pháp nào để tránh bẫy lừa đảo tài chính?

Trong khi các hình thức lừa đảo tài chính ngày càng đa dạng và tinh vi, ngay cả các chính phủ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đấu tranh, phòng chống tội phạm lừa đảo tài chính, thì rõ ràng, mỗi cá nhân cần chủ động tự bảo vệ tài chính của mình.

Chuyên gia về Quản lý tài chính cá nhân - Ngô Thành Huấn.
Chuyên gia về Quản lý tài chính cá nhân – Ngô Thành Huấn.

Theo chuyên gia tài chính Ngô Thành Huấn, những nguyên nhân gốc rễ khiến cho nhiều người Việt Nam rơi vào bẫy lừa đảo tài chính là do đại bộ phận người dân còn chưa được giáo dục về tài chính cá nhân cơ bản. Nhiều người có tư duy đầu cơ/đánh quả muốn làm giàu nhanh thông qua đầu tư tài chính. Họ không kiểm soát được giới hạn giữa lòng “tham hợp lý” và “tham vô lý”, mong muốn được phát triển tài chính cá nhân, mang lại đời sống tốt hơn cho gia đình là mong muốn hợp lý, nhưng kỳ vọng vào các khoản đầu tư x2, x3 trong một thời gian ngắn, đầu tư dựa trên thông tin, tin đồn, thiếu kiến thức đầu tư cơ bản, thì đó là lòng tham vô lý. Hơn nữa, một bộ phận còn có tâm lý “mình không phải là người cuối cùng” nên biết là có nguy cơ lừa đảo mà vẫn nhảy vào, chung quy cũng là vì “lòng tham vô lý”.

>> Xem thêm: Cạm bẫy tài chính và cách phòng tránh

Vì vậy, để tránh bẫy lừa đảo tài chính, mỗi người cần phải:

Nâng cao kỹ năng quản lý tài chính cá nhân

Chúng ta cần tiếp cận kiến thức tài chính đúng, qua rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm để hình thành những kỹ năng cơ bản về quản lý tài chính. Thay vì cố gắng trở thành người đầu tư thông minh, hãy xây dựng nền tảng để trở thành người đầu tư có kiến thức.

Xây dựng tư duy tài chính có kế hoạch dài hạn

Để xây dựng tư duy tài chính có kế hoạch dài hạn, chúng ta phải hiểu về bức tranh tài chính tổng thể, chi tiêu theo năng lực; phát triển đa dạng thu nhập chủ động và thụ động; và đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro.

Thịnh vượng tài chính là sự an yên trong năng lực tạo ra tài chính của riêng mình, chứ không phải là chạy theo số tiền mà người khác kiếm được, dẫn đến những tâm lý kỳ vọng bất hợp lý.

Nhận biết những dấu hiệu của lừa đảo tài chính 

khi chúng ta đã có kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng quản lý tài chính, và có tư duy tài chính dài hạn với các kỳ vọng hợp lý, thì chúng ta cũng rất dễ nhận diện những “bẫy” lừa đảo tài chính.

Chúng ta có thể kể đến: các dự án đầu tư hứa hẹn lợi suất rất cao, các cam kết lợi nhuận chắc chắn cùng với nhiều chiêu trò thu hút, tạo tâm lý FOMO, thúc giục đầu tư nhanh… thì rất dễ là các bẫy lừa đảo tài chính.

Có ý thức về bảo mật thông tin cá nhân

Trong xu thế tất yếu, tội phạm đã và sẽ sử dụng ngày càng nhiều các nền tảng công nghệ hiện đại để thực hiện các hành vi lừa đảo tài chính, thì đây cũng là yêu cầu thiết yếu. Tuyệt đối không chia sẻ những dữ liệu nhạy cảm như số CCCD, CMND, tài khoản ngân hàng hay mật khẩu với bất kỳ ai trên mạng xã hội hoặc qua các tin nhắn không rõ nguồn gốc.

[1] https://vlr.vn/hoi-thao-phong-chong-lua-dao-tren-khong-gian-mang-18006.html

___________________

2TARGET – TIÊN PHONG TRONG ĐÀO TẠO TÀI CHÍNH 

Địa chỉ: Tầng 2, Số 6 Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội 

Hotline: 0898 622 822 

Website: www.2target.vn