YOLO là gì?
YOLO được viết tắt từ cụm từ “You Only Live Once” (bạn chỉ sống một lần), bắt nguồn từ bài hát “The Motto” do Drake – một rapper người Canada, thể hiện vào năm 2011, với thông điệp hãy sống hết mình vì mỗi người chỉ có một lần được sinh ra và một cuộc đời để sống.
Triết lý này tập trung vào việc thúc đẩy con người tận hưởng và khám phá mọi thứ mà cuộc sống mang lại, không bị ràng buộc bởi những lo lắng về quá khứ hay lo ngại về tương lai, hướng đến sự trải nghiệm và phát triển bản thân, mang lại sự tự do và hào hứng với cuộc sống hàng ngày.
Lối sống YOLO có từ khi nào?
Không phải đến “The Motto” của Drake, tư tưởng này mới được khởi xướng. Trong tác phẩm mang tính thời đại “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nicolai Ostrovsky có một câu nói vô cùng nổi tiếng “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài sống phí…”. Hay như Albert Einstein đã nói “Tôi chẳng bao giờ nghĩ về tương lai cả, nó luôn tới sớm hơn tôi tưởng”. Thiền sư Thích Nhất Hạnh – một trong những nhân vật lỗi lạc của Phật giáo thế giới, với tầm ảnh hưởng sâu sắc trong việc giảng dạy về hạnh phúc và sống tỉnh thức, Sư ông cũng đã nói “Tôi tự hứa với lòng mình rằng tôi sẽ vui sống từng phút giây mà đời ban cho tôi”.
Tại sao chúng ta nên sống Yolo?
Bởi vì cuộc đời quý giá và ngắn ngủi, con người cần hành động quyết liệt để tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn, dám nghĩ dám làm để theo đuổi giấc mơ và trải nghiệm hạnh phúc. Chúng ta sẽ tận hưởng cuộc sống với tư duy linh hoạt và lạc quan, nơi mà thất bại được coi là bài học và thử thách là cơ hội để trưởng thành, nơi chúng ta cần chân thành và dũng cảm, mạnh mẽ biểu đạt sự thật về bản thân, đưa ra những quyết định phù hợp với giá trị và hoài bão cá nhân.
Trong 5 tầng thuộc tháp nhu cầu của Maslow, vượt lên trên nhu cầu sinh lý, nhu cầu an toàn, nhu cầu xã hội, nhu cầu được công nhận, ở tầng cao nhất, con người mong muốn được hướng tới nhu cầu tự hiện thực, nơi người ta cảm thấy hài lòng với bản thân và sự phát triển toàn diện, được thỏa mãn khi có thể tự do theo đuổi những mục tiêu cá nhân, tìm kiếm những ý nghĩa sâu sắc cho cuộc sống.
Tuy nhiên, ở mỗi bối cảnh sống khác nhau, con người cũng luôn có những giá trị và mục tiêu khác nhau. Trong bối cảnh khó khăn của đất nước, chàng thanh niên Paven đã lựa chọn sống cuộc đời cống hiến hết mình cho quốc gia dân tộc, cho hòa bình của nhân loại.
Còn trong cuộc sống hòa bình hiện nay, chúng ta có đủ điều kiện để đưa tiềm năng của bản thân hướng tới những giá trị khác như là phát triển kinh tế, tư duy và nghệ thuật, sáng tạo công nghệ và hiện thực hóa những ý tưởng mang tính đột phá…
Có thể thấy rằng, triết lý sống hết mình bởi vì “bạn chỉ sống một lần” vẫn luôn có giá trị bền vững trong cuộc sống, và thậm chí chúng ta đang có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn cách sống và phương thức để hiện thực hóa triết lý sống này, phù hợp với bối cảnh và điều kiện thực tế.
Lối sống YOLO và những định kiến sai lầm
Sự hiểu biết không đầy đủ về YOLO đã khiến nhiều người lầm tưởng đây là lối sống cổ xúy cho sự xa hoa, hưởng thụ, tiêu xài phung phí và chiều chuộng những sở thích ngắn hạn của bản thân.
Nhiều người sẵn sàng chi tiêu tối đa cho nhu cầu của cá nhân nên thường xuyên lâm vào cảnh nợ lần, thu nhập hàng tháng được dành cho những cuộc vui chơi, quần áo túi xách hàng hiệu,…Họ sẵn sàng đi vay để tiêu dùng trong khi không hề có các quỹ tiết kiệm và dự phòng cho những khi cần thiết.
Nỗi sợ bị bỏ lỡ (hội chứng FOMO) đã thúc đẩy những hành vi tài chính kém lành mạnh và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Nhầm rằng đó là cách sống YOLO, nhưng thực chất họ đang bị cuốn theo những biểu hiện bên ngoài, trong khi những mong ước và khát khao từ bên trong, giá trị của bản thân bị đẩy lùi và che khuất.
YOLO và nghệ thuật quản lý Tài chính cá nhân
Jason Vitug trong cuốn sách You only live once: the roadmap to financial wellness and purposeful life (tạm dịch là Bạn chỉ sống có một lần: con đường đi đến sức khỏe tài chính và cuộc đời đầy ý nghĩa) đã mô tả về những thất bại của bản thân khi hiểu sai về YOLO.
Anh nói: “Tôi đã thường nói rằng, bởi vì tôi chỉ sống có một lần, tôi sẽ làm như tôi muốn – nhưng ý nghĩ đó đã dẫn đến những quyết định không có lợi cho hạnh phúc của tôi. YOLO đã là lý do khiến tôi làm những việc điên rồ và tiếp tục chi tiêu hoang phí. YOLO cùng với việc không có tư duy tiền bạc đúng đắn đã khiến tôi phải trải qua nhiều biến cố tài chính.”
Ngược lại, khi có tư duy đúng, Vitug đã có thể đưa ra những quyết định tài chính để hỗ trợ triết lý sống của mình và đạt được những mục tiêu trong cuộc sống. Anh đã mất nhiều năm để hiểu YOLO thực sự nghĩa là gì. “Sống YOLO không phải là sống bất cần, mà nó có nghĩa là hoàn toàn tập trung vào việc tạo ra một cuộc sống đáng sống”…
“Nếu bạn chỉ sống có một lần, ngày hôm nay cũng quan trọng như bất kỳ ngày nào trong cuộc sống mơ ước của bạn. Khi bạn nhận thức rõ hơn về suy nghĩ của mình, hiểu rõ hơn về các giá trị của mình và có tầm nhìn cho cuộc sống của bản thân, bạn cần có kế hoạch để đi đến đích. Tôi chắc chắn rằng mua thứ gì đó sẽ không tạo ra cuộc sống mơ ước. Tiền không nên là đích đến – nó nên được sử dụng để tạo ra nhiều cơ hội để xây dựng cuộc sống lý tưởng”.
Từ đó, Vitug cho rằng chúng ta cần xây dựng ngân sách YOLO là một khuôn khổ kế hoạch giúp chúng ta “hưởng thụ” tiền của mình hàng ngày, trong khi vẫn hướng đến mục tiêu tài chính, nó kết hợp tất cả: tư duy, giá trị của bản thân, và tầm nhìn cuộc sống.
>> Xem thêm: Sống Yolo mà không vui trước lo sau
___________________
2TARGET – TIÊN PHONG TRONG ĐÀO TẠO TÀI CHÍNH
Địa chỉ: Tầng 2, Số 6 Nguyễn Thị Thập, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội
Hotline: 0898 622 822
Website: www.2target.vn